Da Thuộc

So sánh da giả và da thật

đường vân trên da thật và da giả

Phân biệt được da giả và da thật sẽ giúp bạn lựa chọn được các sản phẩm đồ da phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình.

Nếu bạn đã từng đi mua các sản phẩm bằng da như nội thất, quần áo hay phụ kiện, bạn sẽ được cung cấp một số thông tin về chất liệu da. Tuy nhiên, bạn thấy khó để phân biệt sự khác nhau. Chất liệu da có thể là da tự nhiên, da thật tới da hỗn hợp, da ép cho tới da giả. Hiện nay, có 3 loại da chính trên thị trường đó là Da thật (Real leather), Da ép (Bonded leather) và Da giả (Faux Leather). Khi biết được sự khác nhau giữa chúng, sẽ giúp bạn dễ dàng chọn được món đồ ưng ý.

Da thật, Da ép và Da giả là gì?

da thật, dai giả và da ép khác nhau thế nào

Da thật – da ép – da giả khác nhau thế nào?

Da thật – Real leather

Da thật hay còn gọi là da tự nhiên, chúng được sản xuất từ lớp da động vật, phổ biến là da bò, lớp da đầu tiên là da mặt cật (Full grain leather) được sử dụng nhiều nhất vì nó có độ bền tốt hơn hẳn các lớp da bên dưới. Bởi vì da động vật có độ dày lớn nên việc sản xuất cũng tốn nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại chúng giúp sản phẩm dẻo dai và bền bỉ hơn rất nhiều.

Da ép – Bonded Leather

Da ép được làm từ những miếng da vụn được tận dụng lấy từ các nhà máy sản xuất da thật và một hỗn hợp chất kết dính. Những miếng da vụn sau khi được nghiền nhỏ, chúng được trộn chung với hỗn hợp keo chuyên dụng, sau đó được ép lại thành một miếng da lớn, tương tự như gỗ ép chúng ta đã biết. Cuối cùng, một lớp sơn PU (Polyurethane) chuyên dụng được phủ trên bề mặt và tạo hình cho miếng da có các họa tiết tương tự da tự nhiên. Phần trăm da thật trong loại da ép này chỉ từ khoảng 10-20%.

mặt trước và mặt sau của da ép

Da ép được làm từ da vụn và hỗn hợp chất kết dính

Da giả – Faux Leather

Da giả thường được gọi là da Simili hoặc da PU (Polyurethane). Loại này được kết hợp từ chất dẻo polymer và sơn PU. Thành phần kết cấu chính được làm từ Polymer dẻo và sơn PU được dùng để phủ và tạo hình lên bề mặt cho chúng giống da thật. Da PU hoàn toàn không dùng nguyên liệu da thật. 

Mặt trước và mặt sau của da giả màu xám

Da giả làm từ chất dẻo polymer và sơn PU

Có một loại da thật nhưng được xếp vào nhóm giả da là da ngoại quan (Bicast leather). Chúng đúng là da thật, vì sử dụng lớp nền là phần da ruột, lớp da có kết cấu kém nhất của da tự nhiên. Sau đó được phủ một lớp PU dày lên bề mặt để tạo hình. Do thành phần chủ yếu là PU nên chúng được xếp trong nhóm giả da. 

da ngoại quan mặt trước và sau

Da ngoại quan làm từ lớp da ruột và phủ PU lên bề mặt

 

Sự khác nhau giữa 3 loại da

Thị trường hiện nay có nhiều loại da khác nhau, điều này sẽ tạo cho bạn một vài khó khăn trong quá trình mua sắm. Vì vậy việc biết cách phân biệt giữa các loại da là điều cần thiết.Trong đó, việc xác định được nhu cầu sử dụng và chất lượng sản phẩm bạn cần là quan trọng nhất.

 

Giá cả

Giá thành sản phẩm là một trong những khác biệt chính khi so sánh ba loại da này. Da thật sẽ đắt nhất vì được làm từ da tự nhiên và rất khó sản xuất. Da giả sẽ rẻ hơn da thật vì dễ sản xuất hơn, tuy nhiên giá cao hơn một chút so với da ép. Trong ba loại da kể trên thì da ép có giá thành rẻ nhất vì được làm từ da vụn và hỗn hợp chất kết dính.

 

Độ bền

Da thật luôn có độ bền cao theo thời gian bởi vì nó sẽ ít bị nứt và bong tróc. Trong quá trình sử dụng, da thật sẽ tạo nên một lớp bóng tự nhiên, làm tăng thêm vẻ đẹp của sản phẩm.

màu túi da thuộc thảo mộc trước và sau khi sử dụng

                                Da thật sẽ hình thành lớp bóng đẹp tự nhiên theo thời gian

Da giả hay da PU sẽ không bền như da thật nhưng chất lượng tốt hơn da ép. Da giả không thoáng khí và dễ bị nứt hoặc thủng khi có ngoại quan tác động nhưng có khả năng chống thấm và ít phai màu. 

Da ép có chất lượng thấp nhất vì được làm chủ yếu từ vụn da và hỗn hợp chất kết dính, ép trên chất liệu như giấy nên rất dễ bị trầy xước và bong tróc theo thời gian. Chính vì vậy, da ép có tuổi thọ khá ngắn và rất dễ bị phai màu, nhất là khi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. 

 

Ngoại quan và kết cấu

Da thật được làm từ da động vật. Vì vậy các đặc tính bề mặt da sẽ không đều, thông thường bạn sẽ nhìn thấy các khuyết điểm bằng mắt thường như lỗ chân lông, vết sẹo, vết rạn da, các đường vân tự nhiên… Đây cũng chính là điểm khác biệt mà khó loại da tổng hợp nào có được. Ngoài ra, da thật còn có độ mềm, mịn đặc trưng. 

Da giả thì có bề ngoài khá giống như da thật nhưng bề mặt hoàn hảo hơn. Bạn cũng sẽ nhìn thấy các đường vân nhưng rất giống nhau vì được dập từ một khuôn máy. Vì vậy một sản phẩm da có bề ngoài quá hoàn hảo, không có vết nhăn hoặc đường vân tự nhiên thì nhiều khả năng món đồ đó được làm từ da giả.

so sánh da thật và da giả

Da thật có đường vân tự nhiên, da giả có đường vân dập từ máy

Trong khi đó da ép có vẻ ngoài của chất liệu tổng hợp nên rất dễ nhận ra, đặc biệt là mỏng hơn so với da thật và da giả.

Tuy nhiên, da giả và da ép có nhiều kiểu dáng và màu sắc hơn so với da thật.

 

Tính bền vững

Da thật có thể gây khó khăn cho một số người tiêu dùng yêu động vật khi lựa chọn sử dụng vì nó không phải là vật liệu thuần chay. Da thật thường khó sản xuất và chi phí sản xuất cao hơn. 

Da PU có thể sử dụng ít tài nguyên hơn để sản xuất, nhưng chất liệu này không có khả năng phân hủy sinh học (phân hủy hoàn toàn thành các chất vô cơ). Vì vậy các sản phẩm làm từ da PU sẽ không thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một loại da thuần chay, da PU 100% là một lựa chọn tuyệt vời. 

da Pu nhiều màu sắc

 Da PU không có khả năng phân hủy sinh học

Da ép có thể được coi là bền vững vì nó sử dụng các da vụn còn sót lại từ việc làm da thật, nhưng theo thời gian, nó có thể giải phóng một số hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, da ép không phải là sản phẩm thuần chay vì nó có thể chứa từ 10 đến 20% da thật.

Chăm sóc và vệ sinh

Bởi vì da thật có độ thông thoáng tự nhiên, có thể thấm hút chất lỏng nên dễ bị ố và khó làm sạch. Da thật cần được bảo dưỡng ít nhất hai lần một năm để giữ cho da được mềm và không bị khô. Trong quá trình vệ sinh và bảo quản, cần tránh các chất tẩy rửa để bảo vệ bề mặt da tốt hơn.

vệ sinh đồ da bằng nước xịt chuyên dụng

Da thật cần được bảo dưỡng 2 lần/năm

Ngược lại, da giả làm từ các chất tổng hợp có khả năng chống thấm cao, nên dễ dàng vệ sinh bằng nước hoặc các sản phẩm chăm sóc đồ da chuyên dụng. Nếu được chăm sóc đúng cách, các món đồ làm từ da giả sẽ duy trì độ bền khá tốt.

Da ép thì rất khó vệ sinh, do được kết hợp từ vụn da và hỗn hợp kết dính nên da ép rất dễ bị nứt, mòn và bong tróc khi tiếp xúc với nước hoặc các chất tẩy rửa. 

 

Mùi

Da thật sẽ có mùi của da tự nhiên. “Hiện nay, trên thị trường loại da thật được thuộc bằng thảo mộc là loại cao cấp nhất, chúng có mùi thơm của lá và vỏ cây. Chúng tôi đã có bài viết chi tiết về loại này, bạn có thể tham khảo thêm tại đây

Ngoài ra, các loại da thật giá rẻ thường cũng có mùi hóa chất như Axit và Crôm vì được dùng nhiều trong trong quá trình xử lý thuộc da.

Da giả có mùi của nhựa hoặc hóa chất nồng nặc vì bản chất chúng được làm từ các loại vải được phủ lên lớp sơn hoặc nhựa. Da ép cũng tương tự nhưng do có chứa vụn da nên sẽ có một ít mùi của da thật. 

Khi so sánh để lựa chọn sử dụng ba loại da kể trên, nó tùy thuộc vào sở thích cá nhân của người dùng. Da thuộc là lựa chọn tốt nhất nếu bạn không tìm kiếm một sản phẩm thuần chay. 

Còn nếu bạn muốn sử dụng sản phẩm không làm từ da động vật và giá thành phải chăng thì da giả là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Nhưng da giả sẽ có độ bền thấp hơn da thật. Da ép có chất lượng rất thấp và bạn nên tránh xa nếu quan tâm đến độ bền của sản phẩm.

 

Một số cách kiểm tra da thật và giả 

Cách kiểm tra da giả với lửa

Khuyến nghị không nên thử nghiệm phương pháp này trên các sản phẩm chưa thuộc quyền sở hữu của bạn vì lửa sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

dùng que diêm đốt đồ da

Kiểm tra da thật/giả với lửa

Còn nếu bạn là chủ sở hữu và muốn kiểm tra thì có thể tìm kiếm một phần da nằm ở mặt trong sản phẩm và dùng bật lửa đốt cháy xém. Nếu bạn ngửi thấy mùi giống như tóc cháy thì đó là da thật. Còn nếu sản phẩm bắt lửa nhanh hoặc nóng chảy, có mùi khét của nhựa thì đó là da giả, chúng được làm từ các chất liệu tổng hợp. Điều này có nghĩa bạn đã làm hỏng sản phẩm. 

Phương pháp này cũng lý giải vì sao da bò ít bắt lửa, khi bị cháy chúng chỉ cháy nhỏ và phần da co lại một cách từ từ. Và ngược lại, da giả sẽ bắt lửa mạnh và cháy bùng lên nhanh chóng.

 

Cách kiểm tra da giả với nước

Tùy thuộc vào quá trình xử lý mà da thật cũng có thể kháng nước. Tuy nhiên hầu hết các loại da thật đều có khả năng hấp thụ nước còn da làm từ chất liệu tổng hợp thì khả năng chống thấm rất cao, có thể chống nước 100%.

nước đang thấm hút trên bề mặt chất liệu da

Các loại da thật đều có khả năng hấp thụ nước

 

Quy cách

Da giả được sản xuất hàng loạt nhanh chóng và được bán theo mét, giống như vải. Da thật mất thời gian sản xuất lâu và tốn nhiều chi phí xử lý. Da thuộc được bán theo tấm, theo miếng, thường đơn vị tính là bộ vuông (Square foot). Một bộ vuông tương đương 30x30cm. 

Bạn đang có nhu cầu mua sắm quần áo hoặc đồ nội thất bằng da thì hãy chắc chắn rằng bạn phân biệt được ba loại chất liệu da kể trên. Nhất là vấn đề chất lượng để chọn được sản phẩm phù hợp.

5/5 - (19 bình chọn)

Trả lời